Danh hieäu A Di Ñaø Phaät quaû thöïc ñuùng laø voâ thöôïng chuù
Quaû thöïc ñuùng laø voâ ñaúng ñaúng chuù

thegioicuclac.vn

BUÔNG XUỐNG BÈN TRỞ VỀ TỰ TÁNH

BUÔNG XUỐNG

BÈN TRỞ VỀ TỰ TÁNH

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Phật ban cho quý vị cái gì?

Cái gì Phật cũng chẳng ban cho, bản thân quý vị đã vốn có. Vốn có, nhưng quý vị mê rồi, chẳng thể thụ hưởng. Đang mê hoặc, điên đảo, đang luân hồi trong lục đạo, sống cuộc đời thê thảm, khổ nạn như thế. Phật đến điểm hóa quý vị. Quý vị có Phật tri Phật kiến, vốn là Phật, nhưng bị mê, mê mất tự tánh.

Do vậy, đối với chúng sanh, Đức Phật chỉ có thể làm được hai chữ: Khai thị.

Dùng phương tiện nào để hoàn thành hai chữ này?

Thân hành và ngôn giáo. Thân hành là thị. Thị làm mẫu cho quý vị xem. Ngôn giáo là giáo hóa bằng lời nói. Đức Phật coi thị là phương pháp trọng yếu để giáo hóa chúng sanh, ngôn nhằm bổ sung những chỗ thiếu sót trong thị.

Vì thế, trước hết nêu gương cho quý vị xem, sau khi xem xong, quý vị sẽ cảm động, lãnh hội. Sau khi nhìn thấy sẽ cảm động, nhưng chưa hiểu rõ lắm, quý vị lại hỏi, khi được hỏi sẽ giải thích cho quý vị. Đức Phật làm trước.

Vì sao Đức Phật phải thị hiện làm một vị Tăng khổ hạnh, tam y nhất bát, đêm nghỉ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa ngọ, để làm gì vậy?

Có ý nghĩa gì?

Chúng tôi học nhiều năm như thế, đã hiểu ý nghĩa, nhằm dạy người ta điều gì?

Buông xuống. Buông xuống bèn trở về tự tánh.

Vì sao quý vị mê?

Do quý vị tự tư, tự lợi, có tham, sân, si, mạn, tham ái hưởng thụ ngũ dục, lục trần, do làm những chuyện này cho nên mê.

Trên thực tế, có thể hưởng thụ ngũ dục lục trần hay chăng?

Có thể.

Vì sao không thể?

Quý vị hưởng thụ, nhưng trong lúc ấy chẳng khởi phân biệt, dấy chấp trước nơi ấy, đó là đúng. Nhưng khi quý vị hưởng thụ, bèn khởi phân biệt, dấy chấp trước, khởi lên thất tình, ngũ dục, hỏng rồi. Sẽ sanh ra nhiều tác dụng phụ, đó là tạo nghiệp.

Sanh ra những thứ ấy, những thứ đó lại chuốc lấy quả báo. Do cái nhân chẳng thiện, nên chẳng đạt được thiện quả, thọ sanh trong lục đạo tam đồ.

Quý vị phải hiểu: Lục đạo tam đồ chẳng có, trong tự tánh chẳng có, vốn chẳng có, nhưng hiện thời là có hay không?

Hiện tại vẫn là chẳng có, nói với quý vị, quý vị đâu có tin. Nói hiện tại có, quý vị sẽ tin tưởng. Nói hiện tại chẳng có, quý vị không tin. Trong sự cảm nhận của Phật, Bồ Tát, đúng là chẳng có, chẳng phải là giả. Đương tướng tức không, liễu bất khả đắc.

Chính tướng ấy là không, trọn chẳng thể được, có ở chỗ nào?

Trong Kinh, Đức Phật thường nói phàm những gì có tướng đều là hư vọng.

Nói tổng kết về Kinh Đại Bát Nhã thì Bộ Kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm quyển đã giảng điều gì?

Nhằm giảng bốn câu: Hết thảy các pháp vô sở hữu, rốt ráo không, chẳng thể được, bốn câu ấy. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng bát nhã hai mươi hai năm, nhằm dạy chúng ta chân tướng sự thật là như vậy đó.

Quý vị chẳng liễu giải chân tướng sự thật, chấp trước nó là có thật, trật rồi. Trong các cảnh giới, cảnh giới hư huyễn, quý vị dấy lên ý niệm khống chế, chiếm hữu, sai rồi.

Quý vị đã tạo tội nghiệp. Nếu quý vị thụ dụng, nhưng chẳng có ý niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng khởi tâm động niệm, sự thụ dụng của quý vị là sự thụ dụng của Chư Phật Như Lai.

Thưa quý vị, Cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Chư Phật Như Lai là sự thụ dụng ấy. Người trong Cõi Thật Báo Trang Nghiêm có thụ dụng, nhưng chẳng có phân biệt, chấp trước, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, đó gọi là hưởng thụ thật sự, đó gọi là Thế Giới Cực Lạc.

Chẳng khởi tâm, không động niệm, cho nên sự hưởng thụ của họ chẳng có một tí trở ngại nào, chẳng khởi tâm động niệm. Nay chúng ta hưởng thụ, bèn khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, phiền phức ở chỗ này.

Do vậy, nói: Chẳng có luân hồi mà tạo tác thành luân hồi. Luân hồi là ác mộng. Quý vị đi ngủ vốn chẳng có mộng, mỗi ngày gặp ác mộng thì ác mộng do chính quý vị tạo tác, chẳng phải do người khác tặng cho quý vị. 

Đại sự nhân duyên là khai thị ngộ nhập, Đức Phật có thể làm được hai chữ khai thị. Nhưng chúng sanh tiếp xúc sự khai thị ấy, phải ngộ nhập. Ngộ là hiểu rõ, giống như chúng ta thường nói là thấy thấu suốt.

Nhập thế nào?

Nhập là buông xuống, buông xuống là nhập. Quý vị chẳng buông xuống được, sẽ chẳng nhập cảnh giới. Hễ buông xuống liền nhập. Cận đại, Ấn Quang Đại Sư có một phương pháp hết sức tuyệt diệu, dạy chúng ta ngộ nhập như thế nào.

Khi lão nhân gia tại thế, có một khoảng thời gian rất lâu, Ngài bế quan tại Linh Nham Sơn Tự ở Tô Châu, đó là Đạo Tràng tu học cuối cùng của lão nhân gia. Tôi đã đến thăm quan phòng gian phòng dùng để bế quan ấy.

Rất nhỏ, hết sức đơn giản, chỉ có một cái bàn vuông, trên bàn thờ một pho Tượng Phật, thứ gì cũng đều chẳng có, rất đơn giản. Một pho Tượng Phật, một cặp chân đèn, một lư hương, một cái dẫn khánh, một cái mõ nhỏ. Phía sau Tượng Phật viết một chữ to, do chính lão nhân gia viết. Ngài viết một chữ tử. phương pháp này khéo lắm.

Khiến cho quý vị vừa trông thấy, cái chết đã cận kề, thử hỏi quý vị còn có điều gì chẳng buông xuống được chăng?

Vì thế, trong thời đại hiện tại, bản thân tôi thường nghĩ: Thọ mạng của chúng ta tới hôm nay là hết, ngày hôm nay phải chết, còn có gì để mơ tưởng nữa?

Do vậy, chúng ta sẽ sốt sắng, nghĩ đến cái chết, đã chết rồi, cái chết đang đón đầu, còn có thể nghĩ tới ăn, mặc, ở, đi nữa chăng?

Còn có thể mong hưởng thụ hay chăng?

Chẳng có. Hiện thời chỉ còn sót lại một ý niệm cầu sanh Tịnh Độ. Điều gì cũng đều buông xuống, chỉ nghĩ đến A Di Đà Phật, con ở đây chờ Ngài, Ngài hãy đến tiếp dẫn con. Trừ một niệm này ra, ý niệm gì cũng đều chẳng có.

Có thứ gì trong thế gian này là của ta?

Ngay cả cái thân cũng chẳng phải.

Chúng ta phải dùng tâm thái ấy để niệm Phật, đúng như Kinh Di Đà đã nói: Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, cho đến bảy ngày sẽ vãng sanh, thật đấy, chẳng giả đâu.

Hôm nay A Di Đà Phật chưa đến, coi như chưa tới lúc, ngày mai vẫn nghĩ như thế, mỗi ngày đều nghĩ như thế, có nghĩa là gì?

Nêu gương cho các đồng học học Phật, khẳng định có một ngày nào đó, A Di Đà Phật sẽ đến.

A Di Đà Phật nói: Ngươi đã nêu gương, có thể đến Thế Giới Cực Lạc. Chẳng có gì khác, triệt để buông xuống. Buông xuống chẳng phải là bỏ hết mọi việc, chẳng phải vậy. Mọi sự vẫn phải làm, chuyện trong ngày hôm nay vẫn phải làm như thế, nhưng trong tâm không in dấu vết.

Tâm như thế nào?

Trong tâm là một câu A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật, tưởng A Di Đà Phật, thật sự niệm Phật, chẳng giả vờ.

Đấy là gì?

Vì đại sự này mà Chư Phật Như Lai tới thế gian này, để làm gì?

Giúp chúng sanh nhanh chóng thành Phật. Quý vị vốn là Phật, nay quý vị niệm Phật, chắc chắn làm Phật, vốn là Phật mà. Chuyện thế gian, chuyện trong mười pháp giới đừng quan tâm tới, tùy duyên là tốt rồi, không nên phan duyên.

Cổ Đại Đức dạy chúng ta: Tùy duyên tiêu cựu nghiệp, mạc tái tạo tân ương tùy duyên tiêu nghiệp cũ, đừng tạo ương họa mới. 

Nếu chúng ta không biết, đối với hết thảy người và sự vật xung quanh vẫn khởi tâm động niệm, vẫn còn phân biệt, chấp trước, đấy là quý vị đang tạo ương họa mới, tạo nghiệp, lầm rồi. Trên mặt sự bèn tùy duyên, trong lòng phải tinh sạch.

Sự là gì?

Là giả, sự sự vô ngại. Chỉ cần chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chướng ngại gì cũng đều chẳng có. Chướng ngại là khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm là chướng ngại nghiêm trọng nhất.

Thứ nhất là đối lập. Quyết định chẳng thể đối lập với người khác. Chớ nên đối lập với sự. Chớ nên đối lập hết thảy vạn vật. Trước hết phải tiêu trừ điều này, thành tựu viên mãn đạo nghiệp của chính mình trong một đời này. Quyết định chớ nên có ý niệm khống chế, càng không nên có ý niệm chiếm hữu, hãy học điều này, thực hiện từ chỗ này.

***